Theo các cơ quan chính phủ cũng như các chuyên gia phân tích nước ngoài, giá dầu giảm có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.
Tờ The Diplomat vừa có bài báo với tựa đề “How Will Falling Oil Prices Affect Vietnam in 2015?” (tạm dịch: Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam năm 2015?) bình luận về các tác động của giá dầu đối với kinh tế nước ta.
Tờ báo trích dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời phỏng vấn trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhận định vì xuất khẩu dầu thô chiếm 10% ngân sách nhà nước, giá dầu giảm 1 USD sẽ khiến ngân sách giảm 46 – 56 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đều cho rằng trong năm 2015 tác động tiêu cực của giá dầu giảm đến ngân sách sẽ được bù đắp bởi các yếu tố tích cực khác về tăng trưởng kinh tế. Việt Nam xuất khẩu khoảng 16 triệu tấn dầu thô nhưng cũng nhập 10 triệu tấn sản phẩm xăng dầu mỗi năm. Chi tiêu vào nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu giảm cũng có nghĩa lạm phát sẽ giảm trong năm 2015.
Giá dầu giảm cũng giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, từ đó lại giúp gia tăng hoạt động chi tiêu và sản xuất. Nhìn chung, ngân sách Việt Nam giờ đây đã giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu so với trước đây (tỷ lệ đã giảm từ 20 – 25% xuống còn 10%).
Glen B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ, cũng cho rằng giá dầu có tác động không đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Maguire dự báo kể cả khi giá dầu giảm 10% trong 4 quý liên tiếp, GDP của Việt Nam cũng sẽ chỉ giảm 0,1%, trong khi lạm phát có thể giảm 2,6 – 2,7%.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng có nhận định tương tự khi cho nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam từ 5,7 lên 5,8%. ADB cho rằng đầu tư nội địa đã được cải thiện và các điều kiện tín dụng cũng đã được nới lỏng.
Trong khi đó, Frontier Strategy Group dự báo năm 2015 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 8,5%, thậm chí nếu giá dầu ổn định ở mức 50 USD trong năm 2015, tốc độ có thể lên đến trên 10%. Nguyên nhân FSG đưa ra là do những cải thiện đáng kể trong sức mua và lợi nhuận thặng dư của doanh nghiệp.
Chính phủ đã thực hiện một vài bước đi nhằm phòng chống những tác động tiêu cực có thể xảy đến với nền kinh tế. Hồi đầu tháng, Bộ Tài chính đã tăng mức trần thuế áp dụng đối với các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Các biện pháp khác cũng có thể được cân nhắc, bao gồm giảm hoạt động khoan dầu một cách có chọn lọc nếu giá dầu giảm mạnh hơn nữa.
Một nhóm nghiên cứu liên ngành đặc biệt cũng đã được thành lập để tìm hiểu giá hàng hóa biến động ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế trong tương lai và đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề trong năm 2015.